27 April 2020
“Ở Sài Gòn,…”
Ở Sài Gòn, người ta có thể ăn mặc thật sành điệu, xài laptop hạng sang, ngồi café máy lạnh để gởi một cái đơn xin việc vị trí nhân viên bán hàng.
Và cũng ở SG, người ta có thể mặc quần đùi, áo thun, dép lào, ngồi café lề đường, bàn chuyện đang xây cao ốc cho thuê.
Ở SG, cái áo cái quần nhiều khi chẳng nói lên được chi.
Ở SG, người ta vội vã đến mức đi uống ly café 65 ngàn với bạn bè mà quên đi buổi cơm tối, mẹ từng nói “ráng vài ngày, mẹ lãnh lương tháng này rồi đưa con đóng tiền học”.
Cũng ở SG, người ta thích sự ồn ào, náo nhiệt của các quán bar đến mức chẳng màng đến cảnh cha mình đang lặng lẽ ngả lưng trên chiếc xe ôm ngồi chờ khách.
Có người sợ SG, sợ xanh mật, trào đờm “trước dưới quê, nghèo thì đói, lên SG mới biết, nghèo là nhục. Mà nhục thì nó không chết như đói, nó làm con người ta cắm mặt mà đi, có khi cả đời chẳng ngẩng đầu nhìn lên nổi”
Người ta nói dân [sống ở] SG vô cảm, dửng dưng với nỗi đau của đồng loại… Nhưng nhìn lại, để vô cảm như SG, cũng là kết quả của những lúc niềm tin bị chà đạp dưới gót giày mưu sinh tàn nhẫn. Nhưng cũng chẳng phải vì vậy mà SG không còn điều tốt. Người ta vẫn cứ yêu thương, cho đi mà chẳng mong hồi khứ.
Cũng ở đất SG đó, người ta có thể đi xe tay ga sang trọng, xài điện thoại đắt tiền, nhưng hàng tháng vẫn cố nài nỉ chủ nhà cho nợ thêm vài ngày tiền. Hay người ta có thể bỏ lại tiền thừa đến hai, ba chục ngàn cho quán café để tỏ ra mình là người lịch sự, nhưng sẵn sàng ngửa tay đòi cho bằng được ba chục ngàn tiền mua tô phở cho cô ruột ở nhà.
SG, vài người khắc chữ sĩ lên trán đến nỗi cháy hết máu tình thương.
Dân SG khó hiểu như chính cái vùng đất họ sống.
Có thể nói chuyện cùng nhau, nhưng chưa chắc đã hiểu. Có thể đi cùng nhau, nhưng chưa chắc đã thích. Có thể nắm tay nhau, nhưng chưa chắc đã thân. Có thể hôn nhau, nhưng chưa chắc đã thương. Thậm chí có thể ngủ cùng nhau nhưng chưa chắc đã yêu…
(Sưu tầm)