04 August 2016
Vô tình đọc được bài cảm nhận của một người Hà Nội viết về người Sài Gòn sau một thời gian anh ta ở đây. Ban đầu anh ta thấy Sài gòn thật xô bồ, chật chội. Nhưng khi gắn bó ở đây một thời gian, anh ta yêu Sài Gòn lúc nào không hay biết.
Bài viết thật hay và đúng như những gì anh ta cảm nhận.
Sài Gòn:
Tôi bước chân xuống Tân Sơn Nhất lần đầu cũng đã lâu. Đi taxi về công ty tôi – đường phố đông đúc nhưng mọi người đi có thứ tự. Những tòa nhà cao ốc be bé nằm sát nhau trên đường Nguyễn Văn Trỗi – Nam Kỳ khiến tôi nghĩ Sài Gòn thật xô bồ, lộn xộn. Thế mà từ đó đến giờ đã yêu mất Sài Gòn và người Sài Gòn.
Người Sài Gòn có vài món ăn quen, món đặc biệt nhất là Cơm Tấm. Sáng Cơm Tấm, tối đêm Cơm Tấm. Lâu đi nhậu về là lại thèm một dĩa cơm sườn bì chả, ghé vào vỉa hè, ăn rồi mới leo lên giường ngủ được.
Người Sài gòn sáng cafe ăn sáng vỉa hè, cafe nhạt, kèm theo bình trà và vài ba tờ báo ngồi dưới những hàng cây cao nhìn dòng người qua lại. Đồ ăn sáng Sài Gòn cũng đơn giản, bánh canh, hủ tíu, phở Bắc, phở Hoa, món nào vỉa hè cũng ngon, ngu nhất là ghé vào mấy quán trong nhà, có thương hiệu vì mắc chết mẹ.
Người Sài Gòn không có khái niệm đại gia hay đẳng cấp. Một ông chủ đi mẹc cũng vẫn ngồi vỉa hè ăn, nhậu chứ không cần phải thể hiện đẳng cấp đại gia. Những chàng trai, cô gái sành điệu vẫn ăn hàng cùng với những người lao động chứ không phân bì. Miễn là đủ tiền để trả không có người ta đánh cho nhừ xương.
Người Sài Gòn có món nhậu, vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu, có tiền cũng nhậu, hết tiền càng phải nhậu. Giầu thì uống rượu Tây, bình dân thì Ken, Sài Gòn đỏ, Tiger (chỉ dành cho những ông già tầm 60 -bữa nào kể cho nghe), nghèo thì Ngọc Dương, Chuối Hột và vài trái xoài.
Người Sài Gòn không nhậu trưa, chỉ có nhậu từ tối – đêm – sáng. Dân nhậu có câu “Tình thương mến thương”, thấy bàn bên cạnh có anh chàng nói chuyện vui, sang cụng cái, bàn bên kia có cô bé dễ thương đi một mình sang cụng một cái. Cụng qua cụng lại một lúc lại sắp vài bàn vào làm một. Zô là zô là zô là zô. Nhiều người cứ nghĩ rằng nhậu nhẹt ở Sài Gòn là bê tha – người Sài Gòn không thế. Nhậu là chia sẻ, là giải tỏa những gì còn đọng trong ngày, có chút hơi men uống vào cho quên. Sáng dậy lại hòa mình vào cuộc sống và quên đi những chuyện cũ.
Người Sài Gòn yêu nhau cũng lạ, không cần phô trương, thương là đến với nhau. Quen nhau từ bàn nhậu, quen nhau ở quán cafe, quen nhau trong thang máy… cứ thích là nhích thôi. Người ta thương nhau, về với nhau là để thế giới bớt đi hai người cô đơn (thế mà anh vẫn cô đơn thế này). Yêu Gái Sài Gòn không cần phải tỏ tình, cứ rủ đi cafe vài bữa, cho nắm tay, đi xem phim cho thơm, thế là thành bà xã… Tình yêu cũng có hợp tan, nếu hết thương nhau thì lại nhậu, cafe, xem phim… và thêm một mối tình mới.
Cuối cùng, người Sài Gòn là gọi chung cho những người sống ở Sài Gòn, người Sài Gòn gốc thì bị Nguyễn Ánh chiếm đất đuổi đi, người Sài Gòn xưa thì đang sống ở Cali và Sài Gòn giờ toàn người Hà Nội…
PHAN NGUYÊN LUÂN
(sưu tầm)